Theo anh Nguyễn Văn Khoa, dữ liệu sẽ mở ra một cơ hội phát triển cho Việt Nam. Để phát triển kinh tế số nhanh chóng cần hợp lực của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2022 (Vietnam – ASIA DX Summit 2022) sáng 25/5, CEO FPT Nguyễn Văn Khoa – trong vai trò Chủ tịch VINASA, nhấn mạnh với chủ đề “Phát triển kinh tế số”, diễn đàn sẽ tập trung vào các vấn đề về kinh tế, đặc biệt là chia sẻ và trao đổi các biện pháp, các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Anh Nguyễn Văn Khoa phát biểu khai mạc Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2022. Ảnh: Trần Huấn |
Kinh tế số thế giới
“Theo Báo cáo kinh tế số của Diễn đàn thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), năm 2019 kinh tế số ICT/VT đóng góp khoảng 4,5% GDP toàn cầu, kinh tế số internet/nền tảng đóng góp 15,5% GDP toàn cầu. Con số tương ứng tại nước Mỹ là 6,9% và 21,6% GDP và tại Trung Quốc là 6% và 30% GDP” – anh Khoa dẫn lời.
Trung Quốc là nước điển hình thành công về phát triển kinh tế số, với mức tăng trưởng luôn rất cao, và chủ yếu dựa trên các cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng và kinh tế số ngành/lĩnh vực. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, quy mô của nền kinh tế số Trung Quốc đã tăng từ 15% GDP năm 2008 lên 37% vào năm 2019.
Một số nước nhận ra cơ hội đã sớm ban hành các chiến lược, chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của mình, điển hình như: Anh (Digital Economy strategy), Canada (Canada’s Digital Economy Strategy), Australia (National Digital Economy Strategy), Nigeria (National Digital Economy Policy and Strategy), Kenya (Digital Economy strategy), Đài Loan (kế hoạch phát triển kinh tế sáng tạo DIGI 2025), Singapore (Digital Economy Framework for Action), Thái Lan (Thailand Digital Economy and Society Development Plan).
Ngày 25-26/5, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2022 (Vietnam-ASIA DX Summit 2022) dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Với chủ đề “Hợp lực Chuyển đổi số để phát triển kinh tế số”, 2022 là năm đầu tiên Diễn đàn được tổ chức với quy mô khu vực, kỳ vọng tập hợp được các nguồn lực có thể từ nhà nước, tư nhân đến các tổ chức quốc tế, doanh nhân, đội ngũ CNTT… Ảnh: Trần Huấn |
Kinh tế số Việt Nam
Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2021” do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015, và dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (tốc độ tăng trưởng khoảng 29% một năm). Việt Nam đang đứng trước cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế Internet, đặc biệt là các nền tảng chuyển đổi số, trong kinh tế số.
Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Ở vai trò của VINASA, anh thấy đây là những mục tiêu vô cùng thách thức và cần sự quyết tâm vào cuộc của tất cả đối tượng, tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số.
Ngày 31/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Ngày 10/10 hằng năm cũng đã được chọn là ngày chuyển đổi số quốc gia. “Tôi nghĩ rằng chính phủ cũng đang rất nỗ lực cùng với các bộ ban ngành để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam” – anh onis.
Hợp lực chuyển đổi số
Các bộ ngành đang nỗ lực chuyển đổi số hướng đến mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%, từ nay đến 2025. Người đứng đầu VINASA chia sẻ, có những ngành khá thuận lợi, có những ngành nghề lại vô cùng khó khăn. Do vậy công tác chuyển đổi số phải lấy sự đoàn kết, lấy sự chia sẻ, sự kết nối làm trọng tâm. Cũng giống như chương trình chuyển đổi số quốc gia đã chọn người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Người dân, doanh nghiệp và chúng ta cần phải có sự hợp lực, đoàn kết để cùng chung tay thực hiện mục tiêu đưa tỷ trọng kinh tế số phát triển.
Các địa phương như Hà Nội, TP HCM đang xây dựng những chương trình phát triển kinh tế số dựa vào thế mạnh của địa phương. Các địa phương lớn và các địa phương khác khó khăn hơn như Hà Giang, Bình Phước vẫn đang phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh của mình. Cách làm chuyển đổi số cũng có nhiều cách khác nhau, giữa các địa phương, bộ ban ngành, thậm chí là các doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số.
Các doanh nghiệp đang có sự thay đổi nhanh chóng, đặc biệt trong 2 năm Covid-19. Chuyển đổi số đã tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu, trở thành nguồn lực cho kinh tế số phát triển, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, bởi vì có được dữ liệu, làm thế nào để khai thác chúng là một thách thức cho các địa phương, doanh nghiệp cũng như bộ ban ngành của chúng ta.
“Dữ liệu một lần nữa sẽ mở ra một cơ hội phát triển cho Việt Nam ta, một quốc gia có hơn 100 triệu dân, với số lượng doanh nghiệp rất đông và đang tăng trưởng rất nhanh trong thời gian vừa qua.
Để phát triển kinh tế số nhanh chóng cần hợp lực của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp”.
Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ hợp lực
Với vai trò tiên phong, các doanh nghiệp công nghệ số đang nỗ lực phát triển các nền tảng, các giải pháp chuyển đổi số chất lượng. Tại Việt Nam, có đến 95% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ. chuyển đổi số của chúng ta ở khối doanh nghiệp mặc dù đi nhanh, nhưng nền tảng và nội lực của chúng ta còn hiếm, chi phí, cơ hội tiếp cận vẫn còn khó khăn, do đó doanh nghiệp làm CNTT và chuyển đổi số cần có quyết tâm tiếp cận đc các khách hàng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tham gia thúc đẩy nền kinh tế.
Anh Nguyễn Văn Khoa lấy ví dụ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là hộ kinh doanh cá thể, thì việc đóng thuế đầy đủ, tiếp nhận thuế đầy đủ là trách nhiệm của họ. Khi đóng thuế đầy đủ thì họ sẽ được bảo vệ, được môi trường hoạt động kinh doanh tốt, có cơ hội để phát triển. Ví dụ các hoạt động kinh doanh mới ở trên mạng như hiện nay, làm sao để thu được thuế là việc không phải dễ. Do đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là thành phần rất quan trọng để chung tay đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số.
Đầu tư nghiên cứu và đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới: AI, Blockchain. Phải đầu tư chất xám vào các sản phẩm công nghệ của Việt Nam thì ta mới có đầu ra, thay vì mua lại các sản phẩm của nước ngoài với chi phí vô cùng đắt.
Tập trung nguồn lực, hợp lực cùng nhau, chuyển đổi số cho các cơ quan tổ chức, các doanh nghiệp trên toàn quốc. Nguồn lực CNTT, chuyển đổi số hiện nay của chúng ta còn rất hạn chế. Chúng ta đang phải sử dụng rất nhiều nguồn lực khác nhau để thực hiện. “Cộng đồng công nghệ chúng ta phải cùng góp sức để thực hiện sứ mệnh này. Thông qua diễn đàn, mong nhận được sự đồng thuận, hợp lực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ chúng tôi để tham gia thiết thực và quá trình chuyển đổi số của quốc gia, đóng góp phần quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam” – anh Nguyễn Văn Khoa gửi gắm.
TM