NỘIBị cáo Phan Quốc Việt tự nhận Việt Á kịp thời nghiên cứu để Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới có kit test Covid-19; giữa lúc dịch căng thẳng nhất đã hỗ trợ cả nước về thiết bị và nhân lực.
Chiều 5/1, luật sư của 38 bị cáo trong đại án Việt Á bắt đầu xét hỏi sau khi kết thúc phần thẩm vấn của HĐXX và đại diện VKS. Ngồi ở hàng ghế thứ ba, ông Long đeo khẩu trang, khoanh tay, liên tục gật đầu ngay cả khi giải lao. Bốn luật sư của cựu bộ trưởng không tham gia xét hỏi với lý do “các tình tiết đã được làm rõ”.
Mở đầu thẩm vấn, một trong bốn luật sư của Tổng giám đốc Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt hỏi với ông Long: “Nếu đúng quy định pháp luật, Bộ Y tế phải làm thế nào để kit test Việt Á được nghiệm thu và đưa vào sử dụng không vi phạm?”. Ông Long từ chối trả lời, đề nghị luật sư đọc hồ sơ vụ án và các bút lục có lời khai của mình.
“Vậy, bị cáo có thể giới thiệu ai trong số các bị cáo ở đây từng công tác ở Bộ Y tế có thể trả lời câu hỏi này cho HĐXX”, luật sư đề nghị.
Một lần nữa ông Long từ chối. “Nếu muốn, luật sư hãy làm văn bản gửi đến Bộ Y tế, sau đó Bộ sẽ cử đơn vị chuyên môn trả lời bằng văn bản”, ông Long đáp bằng giọng to, rõ ràng.
Luật sư cho rằng nếu gửi công văn sẽ “rất mất thời gian” nên tạm kết thúc vấn đề này.
Trong 38 bị cáo của vụ án, ông Long bị cáo buộc nhận nhiều tiền nhất từ Việt Á, hơn 51 tỷ đồng để thực hiện chuỗi 6 sai phạm, “can thiệp, chỉ đạo” giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm, hiệp thương giá cao gấp 3,5 lần.
Liên quan kit xét nghiệm, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt bị cáo buộc có sai phạm ở hai giai đoạn chính là tham gia nghiên cứu đề tài và xin cấp phép lưu hành, hiệp thương giá. Việt ngay từ đầu khi tham gia cùng nghiên cứu với Học viện Quân y đã có “mục đích biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước thành sở hữu riêng”. Khi được chuyển giao quy trình nghiên cứu kit xét nghiệm, Việt giao cấp dưới phát triển mạnh hơn để sản xuất, đem bán kiếm lời.
Trả lời quá trình cho ra đời kit xét nghiệm, Việt cho biết lấy từ công thức của đề tài nghiên cứu do Học viện Quân y chủ trì, sau đó phát triển tối ưu thành sản phẩm phục vụ chống dịch. Theo Việt, kit test Việt Á “rất đặc biệt, không có cái nào khác về đặc tính như vậy trên thế giới”.
“Bị cáo thấy mình có công lao như thế nào trong chống dịch?”, luật sư của Việt gợi mở. Ông chủ Việt Á tự nhận “có nhiều công lao khi kit test Việt Á góp phần chống dịch thành công” và thấy đây là vấn đề mình nhiều tâm tư nhất.
Việt xin trình bày ngắn gọn một số “công lao” của mình, như kịp thời nghiên cứu để Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới có kit chống dịch. Giữa lúc căng thẳng nhất, Việt Á đã “hỗ trợ cả nước về thiết bị và cử nhân lực đến tận nơi để tăng năng suất lên hàng trăm nghìn lần”. Việt Á cũng đưa việc gộp mẫu xét nghiệm vào vận hành để giảm chi phí và góp phần tăng tốc xét nghiệm, sớm dập dịch.
Việt đang định trình bày thêm thì chủ tọa ngắt lời, cho biết còn nhiều thời gian nên để ở phần sau.
Theo kết quả giám định, sản phẩm kit test đảm bảo đủ 4 tiêu chí là “giới hạn phát hiện, độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác”, phù hợp với hồ sơ cấp số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế.
Trong năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất 8,7 triệu kit test và tiêu thụ được 8,3 triệu kit. Giá thành một sản phẩm 143.400 đồng nhưng Việt Á bán gấp 3 lần, với mức giá 470.000 đồng.
Tính đến trước khi vụ án bị phát giác, Việt Á được nhà nước thanh toán gần 6 triệu kit test, tổng hơn 2.250 tỷ đồng. Bởi thế hơn 1.235 tỷ đồng chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất bị cơ quan điều tra xác định là “hưởng lợi bất chính”. Để được can thiệp giúp đỡ cấp phép, hiệp thương giá, bán sản phẩm, Việt đã đưa hối lộ tổng 106,6 tỷ đồng.
Phan Quốc Việt khai ‘chi tiền theo barem’
Bào chữa cho cựu thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, luật sư đặt vấn đề: “Mức chi tiền cho các cựu quan chức được bị cáo căn cứ vào đâu?”
vị trí công việc và đóng góp từ người nhận, lợi nhuận của Việt Á. Dựa trên barem này, Việt đưa ông Tạc 50.000 USD.
“Tại sao lúc đầu tại cơ quan điều tra bị cáo khai đưa cho ông Tạc 50 triệu đồng, sau đổi thành 50.000 USD”, luật sư hỏi. Việt đáp lúc đầu nghĩ số tiền nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến bản thân và ông Tạc nên mới khai là 50 triệu đồng.
Ngược với lời khai của Việt, ông Tạc trước và trong phiên toà sau đều khẳng định chỉ nhận hai cọc tiền, mỗi cọc 50 triệu đồng, tổng 100 triệu. Ông thấy việc tặng quà theo phong tục Á đông là chuyện bình thường. Hơn nữa, Việt cũng nói quà “như một cành đào Tết, dù muộn” nên ông nhận.
Trả lời luật sư chiều nay, ông Tạc khẳng định, việc Việt Á được Bộ Khoa học Công nghệ chấp thuận cho tham gia đề tài nghiên cứu kit test, thể hiện qua hai văn bản chính thức, ban hành vào các ngày 2/2/2020 và 3/2/2020, đều do bộ trưởng ký. Tuy nhiên ở phần ghi “nơi nhận” không có tên ông.
“Vậy theo ông, văn bản mà bộ trưởng ký, anh là thứ trưởng song không được tiếp nhận thì có nghĩa vụ thực hiện không?”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi.
Ông Tạc đáp: “Tất nhiên là có. Nhưng tôi thắc mắc là không được nhận bất cứ văn bản nào, không được báo cáo gì, dù đáng ra về nguyên tắc, tôi phải được nhận”.
Trả lời trước đó, cựu vụ phó Trịnh Thanh Hùng, người “dắt” Việt vào đề tài nghiên cứu, cũng thừa nhận không báo cáo Thứ trưởng Tạc, dù đây là người phụ trách mảng này.
“Vậy anh dựa vào đâu mà đưa tiền cho ông Tạc, nếu ông ấy không giúp gì?”, luật sư Thiệp nêu lại lời khai của bị cáo Hùng và hỏi Phan Quốc Việt.
Việt trả lời tham khảo ý kiến ông Hùng về ba việc: “Anh Tạc là người thế nào, có đi thăm được không, đưa bao nhiêu cho phải?”. Còn số tiền thì chia theo barem đã nói ở trên.
Phiên tòa sẽ tiếp tục mở lại vào sáng thứ hai, 8/1, với phần VKS công bố bản luận tội và đề nghị mức án với 38 bị cáo